Giới thiệu khái quát về tỉnh Trà Vinh

1. Vị trí địa lý:

Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.295,1 km², giữa 2 con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu. Vị trí địa lý giới hạn từ: 9°31’46’’ đến 10°04’5” vĩ độ Bắc và 105°57’16” đến 106°36’04” kinh độ Đông. Phía Bắc, Tây – Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long; phía Đông giáp tỉnh Bến Tre với sông Cổ Chiên; phía Tây giáp tỉnh Sóc Trăng với Sông Hậu; phía Nam, Đông – Nam giáp biển Đông với hơn 65 km bờ biển. Trung tâm tỉnh lỵ nằm trên Quốc lộ 53 , cách thành phố Hồ Chí Minh gần 200 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km. Trà Vinh nối với thị xã Vĩnh Long bằng quốc lộ 53, tuyến thông thương đường bộ duy nhất nối Trà Vinh với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Khí hậu:

Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ven biển, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 26 – 27,6°C, số giờ nắng trung bình là 2.556 giờ/năm, lượng mưa hàng năm vào khoảng 1.520 mm, độ ẩm trung bình năm là 84%.

Nhìn chung, khí hậu Trà Vinh mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ cao, ổn định, nắng và bức xạ mặt trời thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố hạn chế của khí hậu là lượng mưa ít, lại tập trung theo mùa kết hợp với địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của gió chướng, thuỷ triều cao gây ngập úng và hạn hán cục bộ, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của dân.

3. Đặc điểm địa hình:

Địa hình Trà Vinh mang tính chất vùng đồng bằng ven biển, chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa giữa sông và biển đã hình thành các vùng trũng, phẳng xen lẫn các giồng cát, các huyện phía bắc địa hình bằng phẳng hơn các huyện ven biển, địa hình dọc theo 2 bờ sông thường cao, vào sâu nội đồng bị các giồng cát hình cánh cung chia cắt tạo nên các vùng trũng cục bộ, xu thế độ dốc chỉ thể hiện ở trên từng cánh đồng. Cao trình biến thiên của tỉnh từ 0,1 – 1m chiếm 66% diện tích tự nhiên. Địa hình cao nhất trên 4 m gồm đỉnh các giồng cát phân bố ở Nhị Trường, Long Sơn (Cầu Ngang); Ngọc Biên (Trà Cú); Long Hữu (Duyên Hải). Địa hình thấp nhất dưới 0,4 m tập trung tại các cánh đồng trũng ở Tập Sơn, Ngãi Xuyên (Trà Cú), Thanh Mỹ, cánh đồng Ôcàđa (Châu Thành); Mỹ Hoà, Mỹ Long, Hiệp Mỹ (Cầu Ngang); Long Vĩnh (Duyên Hải). Nhìn chung địa hình thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp từ 0,6 – 1m thích hợp cho tưới tiêu tự chảy, ít bị hạn cũng như không bị ngập úng.

4. Dân số:

Trà Vinh với dân số trung bình năm 2021 là 1018,6 nghìn người, mật độ dân số 463 người/km2. Trên địa bàn Trà Vinh có 29 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh (69%) và người Khmer (29%). Trà Vinh là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng dân tộc người Khmer có nền văn hóa dân tộc đặc trưng: tiếng nói, chữ viết, món ăn và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù.

5.Tài nguyên thiên nhiên:

– Tài nguyên đất, rừng:

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 222.567 ha. Năm 2000, có 5.670,37 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng trồng 4.801,19 ha, chiếm 84,68% diện tích rừng; rừng tự nhiên 869,18 ha (15,32%). Rừng tập trung phần lớn (97,25%) dọc theo 65 km bờ biển.

Trước kia rừng dày đặc, có nhiều lâm sản quý không chỉ đáp ứng cho địa phương mà còn xuất sang các vùng kế cận. Ngày nay rừng đã bị giảm sút về mặt diện tích khá lớn. Rừng tự nhiên chỉ còn lại là rừng bần thuần loại, đại bộ phận diện tích rừng đã trở thành đất trống, trãng cây thưa thớt, trữ lượng gỗ không đáng kể, khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác dụng phòng hộ kém.

– Tài nguyên biển:

Trà Vinh có bờ biển dài 65 km, là vùng biển nông, thuộc khu vực tiếp giáp của 2 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, xa hơn nữa là vùng biển Đông – Trường Sa. Đây là vùng biển có nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị kinh tế cao, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thuỷ sản nội đồng sẽ là tiềm năng lớn để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.

– Tài nguyên khoáng sản:

Trà Vinh là tỉnh nghèo khoảng sản, chỉ có cát xây dựng với trữ lượng khoảng 810.000 m3cát san lấp với khả năng khai thác 30.000 – 50 000 m3/năm và một số loại đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Mỏ nước khoáng ở thị trấn Long Toàn, huyện Duyên Hải với khả năng cho phép khai thác là 2.400 m3/ngày. Chất lượng nước khoáng đạt tiêu chuẩn quốc gia.

– Nguồn nước:

Nguồn nước trực tiếp cung cấp cho Trà Vinh là từ sông Tiền và sông Hậu thông qua dự án thuỷ lợi Nam Măng Thít. Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch cung cấp nước cho nội đồng, với tổng chiều dài là 578 km và 1.876 km kênh cấp I, II. Tuy nhiên tỉnh Trà Vinh vẫn thiếu nước ngọt vào mùa khô, một phần do ảnh hưởng của thuỷ triều và xâm nhập mặn.

– Thủy sản:

Thực vật phù du có 73 loài thuộc 5 ngành, đa phần tập trung vào ngành tảo Silíc và các nhóm tảo có nguồn gốc nước mặn. Mật độ trung bình đạt 666/cá thể/ lít. Động vật phù du có 48 loài, số động vật nổi vùng ven bờ đạt bình quân 15.600 cá thể/m3 (biến động từ 4.000-34.000 cá thể /m3). Động vật đáy (cỡ nhỏ) ở vùng biển Trà Vinh khá phong phú.

Nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Trà Vinh bao gồm nguồn lợi cửa sông, rừng ngập mặn và vùng nước ven biển có độ sâu 30-40m nước vào bờ. Nguồn cá ven biển có 40 họ, 78 giống và 150 loài gồm cá biển ven bờ, cá nước lợ và cá di cư. Ước tính trữ lượng tôm biển tại hai bãi tôm chính là 97-212kg/ha (Bắc Cung Hầu) và 64-249kg/ha (Cửa Định An). Tôm càng đứng sau tôm biển về giá trị kinh tế ở thủy vực Trà Vinh có 11 loài, trong đó có tôm càng xanh, tôm trứng, tép bò, tôm sông ấn.

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *