Canh tác lúa thông minh giúp tiết kiệm phân bón trong sản xuất


Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, Trà Vinh đã và đang có những chính sách nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất của ngành trồng trọt và đạt được kết quả với sản phẩm lúa có diện tích gieo trồng cả năm chiếm 80,63 % so với tổng diện tích gieo trồng trong năm 2021.

Trong quá trình sản xuất lúa, để nâng cao năng suất, sản lượng của cây lúa trên từng vụ sản xuất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là 2 loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong canh tác. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV và lãng phí phân bón sẽ gây ra tác hại xấu đến môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tăng chi phí đầu vào trong sản xuất khá lớn. Chính vì vậy mà cần phải có những phương pháp cụ thể để có thể canh tác lúa một cách thông minh giúp tiết kiểm phân mà vẫn đem lại hiệu quả mong muốn.

Để sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm tránh lãng phí, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm chi phí đầu vào trong sản xuất cần phải áp dụng đồng bộ một số giải pháp kỹ thuật sau đây:

1. Giải pháp kỹ thuật cải tạo đất

– Cày ải phơi đất: Sau thu hoạch xong nên tiến hành cày xới đất (độ sâu 20 – 25 cm), tạo điều kiện cho hệ sinh vật háo khí hoạt động mạnh, làm cho đất tơi xốp, nhờ đó mà rễ cây lúa hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất.

– Cần bón vôi giúp nâng cao hoặc ốn định pH đất, góp phần xử lý mầm bệnh và khử phèn, mặn và ngộ độ hữu giúp cho cây lúa sử dụng hiệu quả lượng phân đã bón đồng thời giúp bộ rễ phát triển mạnh hơn ở giai đoạn đầu của cây lúa; với liều lượng khuyến cáo từ 30-50 kg cho 1.000 m2 trước gieo sạ 7- 10 ngày cày vùi vào trong đất.

– Làm đất thật kỹ, trang bằng mặt ruộng để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây lúa, đồng thời quản lý mực nước trong ruộng ưu thế nhất sẽ khống chế cỏ dại trên ruộng ngay ở đầu vụ.

2. Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất

– Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây lúa IPHM (Integrated Plant Health Management). Đây là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu trong canh tác.

– Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm; canh tác lúa cải tiến SRI (System of Rice Improvement),… Giảm lượng giống trong gieo sạ với mật độ phù hợp theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp (sạ hàng hoặc sạ thưa, sạ lúa theo cụm lượng giống 50-120 kg/ha).

– Sử dụng bộ giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, bộ giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, cấp giống xác nhận, giống chất lượng cao, có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt và phù hợp với thị trường tiêu thụ.

– Áp dụng tưới tiết kiệm nước: Tùy theo điều kiện nguồn nước tưới mà có chế độ điều tiết nước cho phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tạo ruộng lúa với môi trường ướt và khô xen kẽ làm hạn chế chồi vô hiệu, ruộng được thông thoáng giảm áp lực từ sâu bệnh. Điều tiết mực nước trong ruộng lúc từ 2-3 cm khi bón phân là điều kiện cực kỳ quan trọng để giúp cho cây lúa hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất và duy trì mực nước này với thời gian  3 – 5 ngày (không cho nước ra vào) để giữ phân bón không bị rửa trôi.

– Cần xử lý cỏ dại triệt để hạn chế tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng với lúa và cần làm sạch cỏ trước khi bón phân.

3. Cách sử dụng phân bón

– Bón phân theo nhu cầu phát triển của cây lúa, cân đối đạm, lân và kali. Có thể sử dụng phân hỗn hợp NPK theo liều lượng khuyến cáo sử dụng trên cây lúa.

– Tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng sử dụng các sản phẩm có chứa canxi và silic; ưu tiên sử dụng các sản phẩm sinh học. Sử dụng phân hữu cơ với liều lượng 500 kg/ha, kết hợp giảm 30% lượng NPK theo khuyến cáo.

– Nên bón phân đúng thời điểm cây lúa cần và thời tiết thuận lợi (không nên bón phân lúc mưa hoặc nắng quá nhiều) và bón theo nguyên tắc “4 đúng”.

* Lưu ý: 

+ Sử dụng phân hữu cơ phải được ủ hoai từ nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại nông hộ như: Xác bã thực vật, phân gia súc, gia cầm, tàn dư thực vật từ sản xuất,…hoặc phân hữu cơ thương mại, có tác dụng giúp tăng độ phì nhiêu của đất, giúp cây lúa hấp thu dinh dưỡng NPK tốt hơn.

+ Bón lót đất bằng phân bón hữu cơ (chuồng hoai mục, phân trùn quế hay phân bón hữu cơ giành riêng cho lúa) tối thiểu 15 ngày trước khi tiến hành gieo sạ.

+ Không bón phân khi lá lúa còn ướt, hạt phân dính trên lá có thể gây cháy lá lúa.

Như vậy, phân bón bên cạnh việc đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cây trồng thì người sản xuất cũng cần phải chú ý tới quy trình bón phân để nhận được hiệu quả mong muốn.  

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *