Xây dựng và nhân rộng mô hình, nâng chuỗi giá trị lúa

Trong chuyến mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực lúa – gạo, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển chuỗi lúa – gạo. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty triển khai các dự án hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lúa – gạo, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Theo ông Đinh Công Nghiệp, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – chi nhánh tại Cần Thơ): Công ty hiện đang triển khai thực hiện liên kết sản xuất với nông dân huyện Cầu Kè của vụ lúa đông – xuân 2021 – 2022 là 300ha; hình thức liên kết là Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ không hoàn lại 100% lúa giống, hỗ trợ trả cuối vụ đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường (chốt giá trước khi thu hoạch 14 ngày). Công ty tiếp tục mở rộng diện tích 1.000ha vào vụ hè – thu năm 2022 tại các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh cũng với hình thức liên kết trên, với các giống lúa OM18, OM5451. Đây là mô hình điểm, giúp Trà Vinh từng bước nâng cao năng suất, sản lượng lúa; nâng cao chuỗi giá trị lúa – gạo của tỉnh; khẳng định và khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển ngành hàng lúa, gạo tỉnh Trà Vinh.

Tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2021 của tỉnh là 209.016ha, năng suất bình quân 5,54 tấn/ha, sản lượng 1,15 triệu tấn. Cụ thể, vụ đông – xuân 59.734ha, năng suất 6,41 tấn/ha, sản lượng 382.643 tấn; vụ hè-thu 72.779ha, năng suất 5,14 tấn/ha, sản lượng 382.643 tấn; vụ thu – đông 75.163ha, năng suất 5,1 tấn/ha, sản lượng 386.490 tấn; vụ mùa 1.340ha, năng suất 4,83tấn/ha, sản lượng 6.471 tấn. Nhờ tập trung đầu tư, hỗ trợ nhiều nguồn vốn, nông dân từng bước ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, đáp ứng 100% khâu làm đất, bơm tát nước, thu hoạch bằng máy; 80% khâu gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển và khoảng 40% nhu cầu sấy lúa bằng máy, góp phần giảm hao hụt từ 13% còn dưới 10%, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Những năm qua, nông dân áp dụng phương pháp giảm lượng giống gieo sạ hiệu quả, lượng giống 100kg/ha (chiếm 20%), từ 100 – 150kg/ha (chiếm 66%), mật độ trên 150kg/ha (chiếm 14%). Đặc biệt, cơ cấu giống chất lượng cũng nâng lên, nhất là nhóm giống lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu: OM5451, OM4900, ĐT8, OM429, OM6976… chiếm 67,8%; nhóm thơm, đặc sản: ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9… chiếm 1,4%; nhóm giống chất lượng trung bình chiếm 21,8%; sử dụng giống cấp xác nhận, nguyên chủng 90%/diện tích gieo sạ.

Đặc biệt, tỉnh hiện có 348ha sản xuất lúa hữu cơ, sản lượng đạt 1.809 tấn, tập trung 04 xã: Mỹ Chánh, Hưng Mỹ, Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành; liên kết với Công ty TNHH TM-DL Minh Trung và Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Châu Hưng đầu tư vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cuối vụ bao tiêu thu mua sản phẩm với giá 10.200 đồng/kg, lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn lúa hữu cơ quốc tế như: EU, USDA, JAS (xã Hòa Minh và Long Hòa); riêng xã Mỹ Chánh và Hưng Mỹ sản xuất theo hướng an toàn, giá cao hơn thị trường từ 200 – 400 đồng/kg.

Với những tiềm năng và lợi thế về cây lúa, Trà Vinh đã đề ra định hướng đến năm 2025: ổn định diện tích lúa 200.000ha, sản lượng từ 01 – 1,2 triệu tấn/năm; phát triển sản xuất lúa hữu cơ từ 2.000 – 3.500ha, tập trung ở các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải; lúa sạch 20.000 – 30.000ha, tập trung phát triển tại các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long và Cầu Kè. Khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất bền vững theo thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tiếp tục du nhập, khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao để khuyến cáo nông dân sản xuất đại trà.

Để đạt được các chỉ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung tổ chức sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp theo phương thức cánh đồng lớn. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến sâu, chế biến phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ gạo. Phát triển cụm các cơ sở kho chứa, bảo quản, sơ chế và các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho các vùng sản xuất. Nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp.

Tại các khu vực gần vùng chuyên canh, hình thành khu, cụm công nghiệp chế biến công nghệ cao và trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối thị trường. Củng cố hoạt động xuất khẩu lúa gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hình thành các chuỗi bán lẻ tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, khu công nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư,  thành lập các hợp tác xã kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết và sơ chế lúa – gạo xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu cho các hợp tác xã để xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động của các hợp tác xã.

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *