Mùa lúa chín vàng trong vụ thu hoạch tại tỉnh Trà Vinh

 

Tại những vùng quê vẫn còn nếp trồng lúa, người nông dân cứ mỗi năm vào độ gần cuối tháng Giêng, các cánh đồng sẽ bắt đầu vào mùa gặt lúa vụ đông- xuân. Vào thời điểm này, lúa nhuộm vàng tươi óng ánh như tấm thảm. Hạt lúa tròn chắc hạt, nặng oằn bông. Vụ lúa đông – xuân là vụ mùa bội thu nhất trong năm, vì thời tiết mùa này mưa thuận gió hòa nên cây lúa ít sâu bệnh và phát triển tươi tốt. Tuy vậy, người dân vẫn phải đề phòng lũ chuột đồng cắn phá lúa. Việc đề phòng này có thể thực hiện bằng cách dùng bẫy bắt chuột hoặc buộc tấm láng màu trắng vào một cái cây nhỏ rồi cắm lên ruộng của mình để xua đuổi chuột.

Nói đến việc thu hoạch lúa, ngày xưa người ta gặt lúa bằng tay bằng lưỡi liềm mất nhiều thời gian và công sức. Gặt xong phải gánh lúa về. Đạp bó lúa bằng chân cho hạt lúa rụng hay dùng đến trâu bò đi trên lúa. Bó lúa được trải đều trên sân để khi trâu bò đi qua đi lại làm hạt lúa rụng ra. Đây là cách làm lúa thủ công và vất vả. Bây giờ hiện đại hơn, máy gặt lúa chạy bon bon trên cánh đồng lúa chín. Chỉ thoáng chốc, lúa đã gặt xong. Những bao lúa no đầy nằm rải rác trên thửa ruộng sẽ được xe vận chuyển lúa dến nơi mình mong muốn.

Đến mùa thu hoạch, những bông lúa chín vàng rực cả một bầu trời. Cánh đồng rộn ràng hẳn lên, những tiếng hô hoán gọi nhau. Nông dân hớn hở ra ruộng trong tiếng nói cười í ới. Nón lá ai che trên đầu nhấp nhô như cánh cò trắng. Tiếng máy cắt lúa nghe xình xịch làm không gian ngày mùa trở nên nhộn nhịp. Trên cánh đồng hợp tác, chiếc máy gặt lúa háo hức hái từng bông lúa sai oằn. Trông nó rất “khỏe”, có thể chạy liên tục trong nhiều giờ liền không nghỉ. Trên chiếc máy gặt, anh “tài xế” ngồi chăm chú, quan sát tỉ mỉ từng làn xe cắt đi qua để không bị bỏ sót cây lúa. Đi theo cùng trên xe cắt còn có hai người đứng, tay mở miệng bao hứng lúa.

Quan sát quy trình ấy, ta thấy được từng hạt lúa vàng từ trong miệng máy cắt lúa cứ tuôn ra dào dạt. Hình ảnh ấy tạo dấu mốc mới trong tiến trình cơ giới hóa trong nông nghiệp. Máy gặt lúa đi thu hoạch từ mẫu ruộng nhà này đến mẫu ruộng nhà khác, càng ngày càng xa dần và lờ mờ tầm mắt thấy. Bao lúa nằm phơi trong nắng được xe cộ về sân chất thành một đống. Niềm vui phơi phới đến với dân lành vì có được vụ lúa trúng mùa, trúng giá.

Trong gian khó, lúa cho ra những hạt gạo trắng thơm nuôi nấng con người. Trên mảnh đất này, lúa đóng vai trò chủ lực. Bàn tay người dân không ngừng vun bón, chăm sóc cho cây lúa trổ bông sai oằn, lặng lẽ “biếu” cho người hạt vàng, hạt ngọc.

Trong ánh nắng mùa xuân ấm áp, người ta có thể bước thong thả ra đồng. Tận hưởng mùi rơm rạ còn phảng phất, đây là thứ mùi vị đặc trưng của quê nhà. Nhìn cánh đồng bao la đang rộ mùa gặt hái. Thành quả đã được đền đáp sau những ngày dầu dãi của người dân. Họ lắng tai nghe trong gió vi vu, có lời ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương. Vụ lúa đông- xuân là vụ lúa cuối cùng trong năm, là vụ mùa ăn chắc. Sau khi thu hoạch vụ lúa này, nông dân sẽ được ngơi nghỉ, thư giãn một thời gian. Đất đai cũng có dịp phục hồi độ phì nhiêu của mình.

Đối với những người con xa quê, miền đất quê hương vẫn là chốn yên bình nhất để hít thở bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Để những ngày chìm trong công việc mệt mỏi, họ có thể lại tìm đến cánh đồng vàng lúa chín mà tâm hồn nghe nhẹ nhõm, hạnh phúc như cảm giác thân thuộc, vô cùng thư thái.

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *